Việc dạy con là chuyện cả đời của bậc làm cha mẹ. Để bé phát triển một cách toàn diện thì những ai làm cha làm mẹ hãy dạy con từ lúc bé mới bắt đầu lớn để giúp bé hình thành tư duy và thói quen tốt. Dưới đây là một số cách dạy con thông minh mà mọi người cần học hỏi.
1. Thường xuyên trò chuyện cùng bé
Đa số các bé trong giai đoạn từ 18 tháng đến 2 tuổi sẽ tiếp xúc học hỏi thế giới xung quanh. Vào giai đoạn 2 tuổi thì bé có thể nói từ 50 - 100 từ. Theo nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ càng nói chuyện nhiều với bé sẽ kích thích khả năng học hỏi phát triển ngôn ngữ của bé, đây cũng là bài học dạy con thông minh đầu tiên cho mọi cha mẹ cần phải ghi nhớ.
Trò chuyện cùng con (Ảnh: lamchame.com)
Theo các chuyên gia, cha mẹ nên kể cho bé nghe những việc mà bạn đang làm, đây là một cách rất tốt giúp bé học từ mới một cách đa dạng phong phú thông qua câu chuyện hằng ngày của bạn. Một cách khác cũng rất hiệu quả và thường được các bậc cha mẹ sử dụng, đó là đọc sách, đọc truyện cho bé trước khi đi ngủ. Nhưng cần lưu ý giọng văn sao cho phù hợp, lôi cuốn để bé dễ tiếp thu, học hỏi.
Để phát triển ngôn ngữ cho con một cách tốt nhất bạn không nên dạy con học nói thông qua tivi. Vì tốc độ trên tivi thường rất nhanh nên bé sẽ khó mà theo kịp, tiếp thu và ghi nhớ ngôn ngữ. Vì thế cách tốt nhất để phát triển ngôn ngữ của bé đó là thường xuyên trò chuyện với bé để có sự tương tác qua lại bé sẽ dễ dàng học hỏi, hình thành kỹ năng đọc, viết và đánh vần tốt hơn.
2. Xây dựng hệ thống cảm xúc cho bé
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì việc phát triển cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển hình thành kĩ năng xã hội và nhận thức của bé. Cha mẹ nên dạy con đọc và ghi nhớ các kí hiệu cảm xúc – kĩ năng cuộc sống sẽ cần thiết cho bé sau này.
Việc xây dựng hệ thống cảm xúc cho bé tốt sẽ giúp bé hình thành những thói quen, đức tính tốt. Ví dụ như một sự va chạm vô tình trong lúc bé chơi với nhau, bạn nên nói cho bé đây chỉ là một tai nạn, không phải cố ý để giúp bé có thể hiểu sự việc đang xảy ra và giúp bé không hình thành thói quen giận dỗi, cáu gắt hay hung dữ với người bạn kia. Dần dần sẽ giúp cho con bạn trở nên ôn hòa, bình tĩnh trước mọi tình huống.
Dạy con biết sẻ chia (Ảnh: nhatkybe.vn)
Trong lúc chơi, bạn nên gợi ý cho bé về việc chia sẻ đồ chơi của bé với bạn bè và cho bé nhìn thấy kết quả của hành động chia sẻ dễ thương đó. Những câu nói đơn giản “Con thấy không, bạn con đã rất vui khi con chia cho bạn đồ chơi của con cho bạn đấy!”. Việc dạy con đúng cách trong việc học cách kết nối cảm xúc với hành động, bạn đang dần hình thành và xây dựng cho bé một hệ thống cảm xúc tích cực, điều này rất có ích cho cuộc sống sau này của bé.
3. Chơi những trò chơi trí tuệ cùng bé
Những bé trong giai đoạn từ 3 đến 4 tuổi bạn nên cho bé chơi những trò chơi như ghép hình, vỗ tay theo nhịp mẫu, đóng kịch... Những trò này đòi hỏi con bạn phải có thời gian suy nghĩ giúp kích thích khả năng tư tuy của trẻ rồi mới đưa ra câu trả lời.
Dạy cho bé khả năng tự điều chỉnh và kiểm soát suy nghĩ sẽ giúp con phát triển kĩ năng toán học cũng như khả năng quản lý của bé như là việc vạch ra những dự định, đặt ra mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ của não bộ. Thông qua chức năng quản lý này thì có thể đánh giá được khả năng của một người. Để dạy con thông minh thì cha mẹ nên bắt đầu phương pháp này càng sớm càng tốt.
Cùng chơi trò chơi với con (Ảnh: bees.edu.vn)
4. Kích thích khả năng sáng tạo của bé
Bạn nên cho con có một không gian mà ở đó bé hoàn toàn có thể làm những gì mình thích, thỏa sức cho bé tưởng tượng sáng tạo. Bạn không cần thiết mua cho bé những món đồ chơi mới nhất hay đắt nhất, mà có thể đơn giản như là là một cái hộp trống và 2 cây bút màu để bé có thể tự mình sáng tạo. Bạn cần cho con một thời gian và không gian để khám phá những thứ mới mẻ, không nên dạy con gò bó theo một khuôn khổ nào đó.
Cho con thỏa sức sáng tạo (Ảnh: clb.humana.com.vn)
Bạn hoàn toàn có thể biến những không gian phức tạp thành không gian sáng tạo cho bé. Ví dụ như, dành một góc cho âm nhạc, một chỗ dành để vẽ, một chỗ khác để đặt đồ chơi và một chỗ để quần áo hay bất cứ thứ gì mà có thể giúp kích thích khả năng sáng tạo của bé thì bạn nên cố gắng làm vì việc đó sẽ giúp cho sự phát triển của con bạn sau này.
5. Khen ngợi những cố gắng của bé
Các nghiên cứu cho thấy rằng bé sẽ học tập và làm việc chăm chỉ hơn nếu được cha mẹ tán dương, khen ngợi những cố gắng của bé thay vì khen ngợi trí tuệ của bé.
Vì thế, bạn nên nói “Con đã nỗ lực thực sự chăm chỉ đó!” thay vì nói “Cục cưng của mẹ giỏi lắm!”. Vì bé mong muốn bạn nhìn thấy những nỗ lực trong quá trình làm việc thay vì khen ngợi kết quả tốt. Điều này giúp bé hình thành thói quen, chỉ có chăm chỉ mới giúp bé thành công và giúp bé không có tính tự cao, luôn nỗ lực không ngừng để đạt kết quả tốt nhất, không sợ thất bại.
Cổ vũ sự nỗ lực của bé (Ảnh: camnangchobe.vn)
6. Làm hành động chỉ tay vào đồ vật
Bé bước vào giai đoạn khoảng 9 tháng tuổi thì sẽ dần bắt đầu bắt chước những hành động chỉ tay của bạn. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em sẽ phát triển ngôn ngữ nhanh hơn nếu cha mẹ chỉ tay vào những đồ vật khi đang nói đến.
Dạy con theo cách này không chỉ giúp con học nhanh hơn mà còn giúp bé ghi nhớ được hình dáng, đặc điểm của đồ vật đó. Giúp hình thành khả năng giao tiếp tinh tế, sinh động hơn, có sự tương tác cao. Một ví dụ đơn giản như là bạn có thể đưa bé đến sở thú, ở đó bạn hãy chỉ vào một con vật rồi nói tên con vật đó, miêu tả hình dáng của nó để giúp bé phát triển kĩ năng xã hội, nhận thức và chức năng ngôn ngữ của bé.
Dạy bé bằng cách chỉ tay vào đồ vật (Ảnh: eva.vn)
Trên đây là những cách dạy con thông minh mà các bậc cha mẹ nên ghi nhớ để giúp bé có thể phát triển tốt nhất và toàn diện. Chúc các bạn luôn vui khỏe và dạy con thật ngoan!